Điều khác biệt là lần này George Soros không chỉ đầu tư vào bảng Anh
mà còn vào yen Nhật, 2 đồng tiền được giới phân tích cho là “bị ghét”
nhiều nhất hiện nay.
Trong trường hợp đồng yen, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa quay
lại với những động thái nới lỏng mạnh tay đối với cả chính sách tiền tệ
và tài chính. Đồng yen đang lao dốc không phanh kể từ tháng 11-2012.
Đối với bảng Anh, đồng tiền này đang yếu đi vì nhiều lý do, gồm sự yếu
ớt của các yếu tố kinh tế Anh, cán cân thương mại yếu đi và người ta
tin rằng tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney sẽ triển
khai các chính sách nới lỏng nhiều hơn nữa.
Cả yen và bảng đều rớt giá mạnh so với USD trong những phiên giao dịch
đầu tuần này, với đồng bảng giảm giá thấp nhất so với USD trong 7 tháng
vào phiên ngày 18-2. Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ mới đây đã đưa ra cảnh
báo có thể đồng bảng sẽ mất giá sâu.
"Đồng bảng rõ ràng đang có nguy cơ theo chân đồng yen và sẽ rơi vào
chu trình rớt giá sâu của một đồng ngoại tệ chính” - Mansoor Mohi-Uddin,
Giám đốc Chiến lược tiền tệ toàn cầu của UBS, nói. Tờ Guardian của Anh
cũng có bài viết cho rằng đồng bảng đã “mất tư cách làm ngoại tệ trú
ẩn”.
Nguy cơ chiến tranh tiền tệ lại là cơ hội cho các nhà đầu tư “cá mập” |
Như vậy, sẽ không ngạc nhiên khi nhà đầu tư George Soros lại “theo đuổi” đồng yen và đồng bảng. Và không chỉ có Soros, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang đặt cược vào sự sụt giá trên diện rộng của 2 ngoại tệ mạnh này. Tờ Financial Times (F.T) ghi nhận một số quỹ đầu tư tương hỗ lớn nhất thế giới đang đặt tiền vào cùng một chỗ: đồng bảng.
“Sau khi thành công và kiếm hàng tỷ USD từ việc đặt cược vào đồng yen kể từ tháng 11-2012, các quỹ đầu tư toàn cầu như Soros Fund Management, Tudor Investment Corporation, Caxton Associates và Moore Capital đang ngày càng thích thú với đồng bảng” - nhà phân tích Sam Jones viết trên F.T.
Theo Sam Jones, quỹ đầu tư Soros Fund Management của ông Soros đã kiếm được 1 tỷ USD lợi nhuận từ sự sụt giảm của đồng yen kể từ hồi tháng 11. Vào năm 1992, ông Soros gây chấn động giới đầu tư sau khi kiếm lời 1 tỷ USD từ sự sụt giá của đồng bảng. Sau vụ đó, ông được gọi là “người bán Ngân hàng Trung ương Anh”.
Kinh tế hồi phục yếu ớt sau khủng hoảng đang khiến nhiều chính phủ
theo đuổi khuynh hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính, từ đó
giảm giá nội tệ để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Như đã
biết, đồng yen đang bị “phá giá” bởi các chính sách của Thủ tướng Abe;
đồng USD giảm giá sau khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) in thêm tiền
trong các chương trình nới lỏng định lượng 1 và 2; đồng NDT cũng bị Bắc
Kinh kiềm giữ ở mức thấp hơn thực tế…
Khuynh hướng này đang lớn dần thành một nguy cơ chiến tranh tiền tệ.
Cả nhà đầu tư tỷ phú George Soros và Tổng thống Pháp François Hollande
đều tin rằng thế giới đang ở bờ vực của cuộc chiến tranh tiền tệ và cuộc
chiến này có thể “hủy diệt cả châu Âu”.
Nguy cơ chiến tranh tiền tệ nay đang gia tăng sức ép buộc Ngân hàng
Trung ương châu Âu phải có những động thái điều chỉnh giảm đồng EUR để
tăng sức cạnh tranh cho các nền kinh tế trong khu vực đồng tiền chung.
“Một khu vực tiền tệ phải có một chính sách hối đoái, nếu không nó sẽ
dẫn đến một tỷ giá hối đoái không phản ánh được tình trạng kinh tế thực
chất” - ông Hollande nói với Nghị viện châu Âu vào tuần trước.
Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự là điều không ai mong
muốn. Vì vậy, trong cuộc họp G20 ở Moscow vừa qua, Bộ trưởng Tài chính
các nước đã ra thông cáo chung bày tỏ quyết tâm kiềm chế việc điều chỉnh
giảm các nội tệ.
“Chúng tôi sẽ không điều chỉnh tỷ giá hối đoái vì các mục tiêu cạnh
tranh” - thông cáo viết. Dù vậy, cam kết này bị giới chỉ trích cho là mơ
hồ và khó có thể ngăn chặn một cuộc chiến tiền tệ.