Lấp
kín mặt bằng, có sự góp mặt của nhiều nhãn hàng nổi tiếng và thu hút
được lượng khách lớn là sự thành công của một trung tâm thương mại cao
cấp. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, những yếu tố đó đang
dần bị phá vỡ trong cơn sinh tồn.
Theo Savill Việt Nam, từ nay đến quý
I/2013, sẽ có thêm nhiều dự án quy mô lớn gia nhập thị trường mặt bằng
cho thuê. Trong đó, riêng tại Hà Nội, có thể kể đến Keangnam Landmark
Tower, Indochina Plaza Hà Nội, Hapulico Complex, Hà Nội City Complex,
Royal City… Đây thực sự là một thách thức với các chủ đầu tư, khi diện
tích mặt bằng cho thuê bị bỏ trống từ cuối năm 2011 đến nay ngày một
nhiều hơn.
Trong khi đó, theo khảo sát mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường
Neilsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã giảm 8 điểm trong
quý III/2012 và đây là mức giảm thấp nhất kể từ quý I/2009. Đồng thời,
Neilsen cho biết thêm, trong quá trình khảo sát, hầu hết người tiêu dùng
đều thể hiện rõ tâm lý tiết kiệm và rất nhiều người thừa nhận, bản thân
họ đã thay đổi thói quen mua sắm để tiết giảm chi tiêu. Đây là nguyên
nhân khiến hầu hết trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp đang trở thành
nơi dạo chơi của các khách hàng, chứ không còn là “thiên đường mua sắm”
như người ta thường gọi trước đây.
Tại Trung tâm Diamond Plaza (TP.HCM), thời gian gần đây, lượng khách
đến mua sắm giảm 20 - 40% so với năm ngoái. Tương tự, doanh thu bán hàng
tại TTTM Zen Plaza (TP.HCM) giảm gần 20%.
Tại các TTTM cao cấp ở Hà Nội, như Picomall, Grand Plaza, Garden,
Parkson…, tỷ lệ cho thuê đã vơi dần, do nhiều khách hàng thuê mặt bằng
rời khỏi tòa nhà do kinh doanh ế ẩm. Trong khi đó, tại không ít TTTM cao
cấp khác, gian hàng chưa có khách thuê còn khá nhiều.
Để tìm lối thoát, các chủ đầu tư đã áp dụng nhiều kế khác nhau. Tháng
6/2012, Zen Plaza đã giảm giá thuê mặt bằng 20 - 40%. Tương tự, Parkson
cũng đã giảm giá thuê mặt bằng 30 - 40% và có nhiều hình thức thanh toán
linh hoạt cho các đơn vị thuê mặt bằng.
Đặc biệt, xu hướng các trung tâm thương mại cao cấp chuyển sang thu hút
khách hàng bình dân ngày một nhiều hơn. Thậm chí, có doanh nghiệp còn
thay đổi hẳn định vị, chuyển thành TTTM bình dân.
Sau khi thực hiện chiến lược bình dân hóa từ đầu năm 2010, với sự hiện
diện của Siêu thị tổng hợp Big C và các khu vui chơi trẻ em, đến năm
2011, The Garden (Từ Liêm, Hà Nội) đã lấp đầy toàn bộ diện tích 27.000
m2 sàn bán lẻ. Còn Savico Mega Mall (Hà Nội) lại kết hợp bán hàng cao
cấp và bình dân. Theo đó, toàn bộ tầng hầm được dành cho đại siêu thị
tổng hợp bán hàng bình dân; tầng 1 bán hàng cao cấp; tầng 2 dành cho
siêu thị điện máy; tầng 3 là khu vui chơi, giải trí cho trẻ em. Tương
tự, Grand Plaza, nơi từng được mệnh danh là thiên đường mua sắm cao cấp,
cũng đã hạ mình xuống mức bình dân để sống sót. Hiện tại, các mặt hàng
của TTTM này chủ yếu tập trung cho đối tượng khách hàng có thu nhập 4 – 5
triệu đồng/tháng.
Nhiều ý kiến cho rằng, bước chuyển mình từ phân khúc cao cấp xuống bình
dân là một bước đi rất khôn ngoan và kịp thời của các TTTM này. Nhưng
khi hàng loạt TTTM tập trung vào khách hàng bình dân, thì lại tạo ra sự
cạnh tranh gay gắt ở phân khúc đó. Hơn nữa, những trung tâm đã chuyển
sang bình dân, thì sau này rất khó quay trở lại định vị cao cấp như ban
đầu.
Vậy nên, nhiều chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp cho rằng, các
TTTM cao cấp không nên hạ thấp giá trị của mình, mà thay vào đó, hãy có
những chiêu trò marketing cộng hưởng. Còn bạn, nếu là CEO của một TTTM
cao cấp, bạn sẽ quyết định vận mệnh sự phát triển của trung tâm đó như
thế nào?
Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2012 phát sóng trên
kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 giờ sáng Chủ nhật tuần này
(2/12) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (3/12) sẽ giúp CEO tìm thấy
một số giải pháp hữu ích cho vấn đề trên.
|